Thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em tưởng chừng phức tạp, nhưng bạn không cần phải lo lắng. Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết từ A đến Z, giúp bạn hoàn thành quy trình một cách nhanh chóng và chính xác. Việc nhập khẩu đồ chơi cho trẻ em giờ đây sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết!
Chính sách pháp luật cần nắm rõ khi làm thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em
Để nhập khẩu đồ chơi trẻ em, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về mặt hàng này. Theo đó, đồ chơi trẻ em mới 100% không thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu hoặc phải xin giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, đồ chơi trẻ em phải được đăng ký kiểm tra chất lượng trước khi thông quan.
- Điều 9, Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTD (từ ngày 07/10/2023 sẽ bị thay thế bằng Thông tư 09/2023/TT-BVHTTDL) quy định đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải mới hoàn toàn, chưa qua sử dụng. Chất lượng đồ chơi phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 3:2009/BKHCN.
- Điều 4, Thông tư 09/2019/TT-BKHCN quy định từ 1/1/2021, mặt hàng đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước và nhập khẩu phải đạt yêu cầu tại Mục 2 QCVN 03:2019/BKHCN nếu muốn được kinh doanh, buôn bán.
- Khoản 1, Điều 2, Thông tư 07/2017/TT-BKHCN quy định những mặt hàng có nguy cơ gây mất an toàn cho người dùng cần được kiểm tra chất lượng nhà nước về chất lượng. Đồ chơi trẻ em nhập khẩu là một trong những mặt hàng như vậy.
- Quyết định 2711/QĐ-BKHCN năm 2022 quy định sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Mã HS đồ chơi trẻ em và thuế suất nhập khẩu đồ chơi trẻ em
Mã HS đồ chơi trẻ em
Mã HS mặt hàng đồ chơi trẻ em được xác định thuộc nhóm 9503, không áp dụng đối với máy đồ chơi điện tử như máy gắp thú, máy bắn cá,..Thuộc nhóm 9504 hoặc các bộ vận động đa năng ngoài trời thuộc nhóm 9506
Mã HS | Mô tả hàng hóa |
9503 | Xe đạp ba bánh, xe đẩy, xe có bàn đạp và đồ chơi tương tự có bánh; xe của búp bê; búp bê; đồ chơi khác; mẫu thu nhỏ theo tỷ lệ (“scale”) và các mẫu đồ chơi giải trí tương tự, có hoặc không vận hành; các loại đồ chơi đố trí (puzzles). |
95030010 | Xe đạp ba bánh, xe đẩy, xe có bàn đạp và đồ chơi tương tự có bánh; xe của búp bê; Búp bê. |
95030021 | Búp bê, có hoặc không có trang phục. |
95030022 | Quần áo và phụ kiện quần áo; giày và mũ. |
95030029 | Loại khác. |
95030030 | Xe điện, kể cả đường ray, đèn hiệu và các phụ kiện khác của chúng. |
95030040 | Các mô hình thu nhỏ theo tỷ lệ (“scale”) và các mô hình giải trí tương tự, có hoặc không vận hành. |
95030050 | Đồ chơi và bộ đồ chơi xây dựng khác, bằng mọi loại vật liệu trừ plastic. |
95030060 | Đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật không phải hình người. |
95030070 | Các loại đồ chơi đố trí (puzzles); Loại khác. |
95030091 | Đồ chơi, xếp khối hoặc cắt rời hình chữ số, chữ cái hoặc hình con vật; bộ xếp chữ; bộ đồ chơi tạo chữ và tập nói; bộ đồ chơi in hình; bộ đồ chơi đếm (abaci); máy may đồ chơi; máy chữ đồ chơi. |
95030092 | Dây nhảy. |
95030093 | Hòn bi. |
95030094 | Các đồ chơi khác, bằng cao su. |
95030099 | Loại khác. |
Thuế suất nhập khẩu đồ chơi trẻ em
Khi doanh nghiệp nhập khẩu đồ chơi trẻ em về Việt Nam, người nhập khẩu cần phải nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT). Chi tiết như sau:
- Thuế nhập khẩu thông thường: 15-30%
- Thuế nhập khẩu ưu đãi: 10-20%
- Thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt có C/O form E: 0%
- Thuế VAT: 5%
Dãn nhãn hàng đồ chơi trẻ em nhập khẩu có bắt buộc?
Việc dán nhãn lên hàng hóa nhập khẩu là một quy định bắt buộc nhằm đảm bảo sự minh bạch trong thương mại. Kể từ khi Nghị định 128/2020/NĐ-CP có hiệu lực, việc tuân thủ quy định này đã được các cơ quan chức năng siết chặt hơn. Nhãn hàng hóa không chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với đồ chơi trẻ em, việc dán nhãn đầy đủ thông tin là vô cùng quan trọng.
Theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, nhãn mác đồ chơi phải ghi rõ các thông tin như: tên và địa chỉ của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, tên sản phẩm, xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, để đảm bảo thông tin đến được với mọi người, nhãn mác có thể được ghi bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó tiếng Việt là bắt buộc.
Thủ tục kiểm tra chất lượng và chứng nhận hợp quy
Bước 1: Đăng ký và tạo hồ sơ kiểm tra chất lượng
Để tiến hành kiểm tra chất lượng, trước hết người nhập khẩu phải đăng ký tài khoản trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và tạo hồ sơ đăng ký kiểm tra. Hồ sơ này sẽ được gửi đến Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quản lý Doanh nghiệp để xem xét. Khi tạo hồ sơ, người nhập khẩu cần chọn một đơn vị kiểm tra chất lượng được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép. Sau khi hoàn tất thủ tục hải quan, hồ sơ đăng ký mới được tiếp nhận.
Bước 2: Lấy mẫu và kiểm tra
Sau khi hồ sơ được cơ quan quản lý phê duyệt, người nhập khẩu có thể tiến hành thủ tục hải quan. Đồng thời, cần liên hệ với trung tâm kiểm tra chất lượng để sắp xếp việc lấy mẫu. Mẫu hàng sẽ được lấy trực tiếp tại cảng hoặc kho hàng để tiến hành kiểm tra.
Bước 3: Hoàn tất thủ tục nhập khẩu
Sau khi nhận được kết quả kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu, người nhập khẩu sẽ tải chứng nhận lên hệ thống để hoàn thiện hồ sơ. Khi tất cả các thủ tục hải quan và kiểm tra chất lượng đều được đáp ứng, lô hàng đồ chơi trẻ em sẽ được thông quan.
Xem thêm: Quy trình thực hiện thủ tục kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu mới nhất 2024 – HDG Logistics
Quy trình nhập khẩu đồ chơi trẻ em
Dựa trên Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Thông tư sửa đổi bổ sung 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018, bộ hồ sơ nhập khẩu đồ chơi trẻ em bao gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai hải quan: Giấy tờ bắt buộc để khai báo thông tin về lô hàng nhập khẩu với cơ quan hải quan.
- Hợp đồng thương mại (Contract): Hợp đồng mua bán giữa người mua và người bán, ghi rõ các điều khoản về sản phẩm, giá cả, điều kiện giao hàng, thanh toán…
- Phiếu đóng gói chi tiết hàng hóa (Packing list): Liệt kê chi tiết về số lượng, trọng lượng, kích thước của từng sản phẩm trong lô hàng.
- Hóa đơn thương mại (Invoice): Chứng từ thanh toán do người bán lập, ghi rõ giá trị của lô hàng.
- Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O): Chứng minh nguồn gốc sản xuất của hàng hóa (nếu có).
- Vận đơn (Bill of lading): Chứng từ vận tải do người vận chuyển phát hành, xác nhận việc nhận hàng và cam kết giao hàng đến nơi nhận.
- Các giấy tờ khác (nếu có): Các giấy tờ khác liên quan đến lô hàng như chứng nhận chất lượng, giấy phép nhập khẩu…
Lưu ý: Ngoài các giấy tờ trên, bạn cần chuẩn bị thêm các giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan hải quan như giấy chứng nhận hợp quy, giấy chứng nhận kiểm định chất lượng…
Bước 1: Khai tờ khai hải quan
Đầu tiên, chuẩn bị đầy đủ các chứng từ xuất nhập khẩu như hợp đồng, hóa đơn thương mại, danh sách đóng gói, vận đơn đường biển, chứng nhận xuất xứ, thông báo hàng đến và mã HS của đồ chơi trẻ em. Sau đó, nhập thông tin khai báo lên hệ thống hải quan qua phần mềm khai quan. Cần cẩn thận khi nhập liệu để tránh sai sót, vì điều này có thể gây mất thời gian và chi phí.
Bước 2: Mở tờ khai hải quan
Sau khi khai xong, hệ thống hải quan sẽ trả về kết quả phân luồng tờ khai. In tờ khai và mang hồ sơ xuống chi cục hải quan để mở tờ khai. Thực hiện việc này trong vòng 15 ngày kể từ ngày khai để tránh phí phạt.
Bước 3: Thông quan hàng hóa
Cán bộ hải quan sẽ kiểm tra hồ sơ và chấp nhận thông quan nếu không có thắc mắc. Sau đó, đóng thuế nhập khẩu để hàng hóa được thông quan. Trong một số trường hợp, hàng hóa có thể được giải phóng để mang về kho bảo quản.
Bước 4: Vận chuyển và sử dụng hàng hóa
Cuối cùng, tiến hành thanh lý tờ khai và làm thủ tục để mang hàng về kho. Chuẩn bị lệnh giao hàng và phiếu lấy hàng tại cảng, đồng thời bố trí phương tiện để lấy hàng. Lưu ý tránh tình trạng tờ khai đã hoàn tất nhưng vẫn còn lệnh của hãng tàu, để quy trình được hoàn thành thuận lợi và tránh mất mát thời gian và chi phí.
Trên đây là quy trình đầy đủ để thực hiện các thủ tục nhập khẩu dồ chơi trẻ em, bao gồm mã hs cho đồ chơi trẻ em, thuế nhập khẩu, thuế GTGT, kiểm định chất lượng và các chính sách liên quan đến nhập khẩu đồ chơi trẻ em. Mong rằng bài viết này cung cấp những thông tin mà Quý vị đang tìm kiếm.