Gỗ ván ép là một vật liệu gỗ công nghiệp được làm từ nhiều lớp gỗ mỏng, được gọi là veneer hoặc lạng gỗ. Các lớp gỗ này được sắp xếp vuông góc với nhau theo hướng vân gỗ của mỗi lớp, sau đó được ép vào nhau dưới nhiệt độ và áp suất cao với sự tham gia của các chất kết dính.
Ván ép có nhiều ưu điểm so với gỗ tự nhiên, chẳng hạn như:
- Độ bền cao: Các lớp gỗ được xếp vuông góc với nhau giúp tăng cường độ bền và khả năng chịu lực của ván ép.
- Tính ổn định: Ván ép ít bị cong vênh, co ngót hơn gỗ tự nhiên do các lớp gỗ được liên kết chặt chẽ với nhau.
- Dễ thi công: Ván ép có thể được cắt, cưa, bào, khoan dễ dàng như gỗ tự nhiên.
Ván ép được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm:
- Nội thất: Ván ép được sử dụng làm đồ nội thất, như bàn, ghế, tủ, kệ,…
- Xây dựng: Ván ép được sử dụng làm sàn, vách ngăn, trần nhà,…
- Công nghiệp: Ván ép được sử dụng làm thùng, pallet, hộp,…
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, ván ép có thể được làm từ các loại gỗ khác nhau, chẳng hạn như gỗ thông, gỗ cao su, gỗ sồi,…
Căn cứ pháp lý về thủ tục xuất khẩu gỗ ván ép
- Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT: Quy định về hồ sơ lâm sản hợp phsáp
- Thông tư 40/2015/TT-BNNPTNT: Sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT về hồ sơ lâm sản
- Văn bản 07/VBHN-BNNPTNT(2016): Hợp nhất hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra lâm sản
- Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT ban hành bảng mã số Hs đối với hàng hóa chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn
Theo quy định của pháp luật hiện hành, gỗ ván ép được xếp vào nhóm sản phẩm từ gỗ. Việc xuất khẩu gỗ ván ép không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm xuất khẩu. Tuy nhiên, gỗ ván ép cũng phải tuân theo các quy định về xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ, cụ thể như sau:
Gỗ ván ép chỉ được xuất khẩu khi có hồ sơ lâm sản hợp pháp theo quy định hiện hành của pháp luật. Hồ sơ lâm sản hợp pháp bao gồm:
- Giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ: Giấy phép khai thác gỗ, giấy tờ chuyển quyền sở hữu gỗ,…
- Giấy tờ chứng minh việc trồng rừng: Giấy phép trồng rừng,…
- Giấy tờ chứng minh việc sử dụng gỗ: Giấy tờ nhập khẩu gỗ, giấy tờ chứng minh việc mua bán gỗ,…
- Gỗ ván ép làm từ gỗ thuộc nhóm IA được quy định bởi Chính phủ (trừ gỗ là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước và những trường hợp quy định tại Điều 8 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT), cũng như sản phẩm từ gỗ thuộc Phụ lục I của CITES khai thác từ tự nhiên, thì cần tuân theo các quy định về xuất khẩu và giấy phép CITES.
Mã HS Code và thuế xuất khẩu gỗ ván ép
Thuộc nhóm 4412: Gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép tương tự, tùy thuộc vào tính chất từng loại xuất khẩu để áp các mã HS cụ thể sau:
- 44121000: Gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép tương tự của tre
- 44123100: – Gỗ dán khác, chỉ bao gồm những lớp gỗ (trừ tre), mỗi lớp có chiều dày không quá 6 mm với ít nhất một lớp ngoài(1) bằng gỗ nhiệt đới
- 44123300: Loại khác, với ít nhất một lớp mặt ngoài bằng gỗ không thuộc loài cây lá kim thuộc các loài cây trăn (Alnus spp.), cây tần bì (Fraxinus spp.),…
- 44123400: – – Loại khác, với ít nhất một lớp mặt ngoài từ gỗ không thuộc loài cây lá kim chưa được chi tiết tại phân nhóm 4412.33
- 44123900: – – Loại khác, với cả hai lớp mặt ngoài từ gỗ thuộc loài cây lá kim
Theo biểu thuế xuất nhập khẩu 2024, mặt hàng gỗ ván ép có Thuế Xuất khẩu 0%. Vì vậy khi xuất khẩu gỗ ván ép, doanh nghiệp sẽ không phải nộp thuế xuất khẩu.
Thủ tục hải quan xuất khẩu ván ép
Hồ sơ hải quan xuất khẩu ván ép gồm có những giấy tờ, chứng từ sau:
- Tờ khai hải quan
- Hóa đơn thương mại
- Hợp đồng mua bán hàng hóa
- Phiếu đóng gói hàng hóa
- Bảng kê khai lâm sản có dấu xác nhận của Kiểm lâm cơ cấp Hạt, cấp Chi cục
- Bảng kê lâm sản (doanh nghiệp tự lập) theo mẫu số 01 được quy định tại Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT.